Ngày 9-10, tại TPHCM, Cơ quan Hợp tác tu nghiệp quốc tế Nhật Bản (Jitco) và Cục Quản lý Lao động ngoài nước tổ chức hội thảo giới thiệu những quy định mới về chương trình tu nghiệp và thực tập kỹ thuật. Hội thảo diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Nhật Bản đang hồi phục, gia tăng trở lại nhu cầu tiếp nhận tu nghiệp sinh (TNS) nước ngoài cùng với những chính sách mới có lợi cho lao động nước ngoài. Song vấn đề đặt ra là XKLĐ của VN sang Nhật Bản phải giải quyết được những hạn chế đã tồn tại dai dẳng nhiều năm nay thì mới hy vọng phát triển mạnh mẽ thị trường này.
Người nghèo khó sang Nhật Bản
VN bắt đầu đưa lao động sang Nhật Bản theo chương trình tu nghiệp và thực tập kỹ thuật (trước nay quen gọi là chương trình TNS) từ năm 1992. Trong 17 năm qua, cả nước chỉ có khoảng 40.000 lao động sang Nhật Bản theo chương trình này và hiện chỉ có chưa đến 17.000 người đang tu nghiệp và thực tập kỹ thuật. Con số này quá thấp so với nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài hằng năm của Nhật Bản theo chương trình này là trên 70.000 người.
Có nhiều nguyên nhân khiến số lượng lao động VN sang Nhật Bản thấp hơn nhiều thị trường khác nhưng cốt lõi là do tỉ lệ bỏ trốn cao. Các số liệu thống kê cho biết từ năm 2003 về trước, XKLĐ của VN sang Nhật Bản không bao giờ vượt 3.000 người/năm. Ở thời điểm đó, tỉ lệ lao động bỏ trốn chiếm trên 30% tổng số lao động đưa đi. Giai đoạn từ năm 2004 đến nay, số lượng lao động VN sang Nhật Bản tăng đều hằng năm: Từ 4.371 người năm 2005 lên 5.744 người vào năm 2006, 6.353 người vào năm 2007 và 6.670 người vào năm 2008. Chín tháng qua, dù ảnh hưởng của suy giảm kinh tế nhưng vẫn có 4.700 lao động sang Nhật Bản. Ở thời điểm này, tỉ lệ lao động bỏ trốn đã giảm mạnh và hiện tại chỉ còn 2%.
Theo ông Lê Văn Thanh, Tham tán, Trưởng Ban Quản lý Lao động VN tại Nhật Bản, kết quả tăng hay giảm lao động sang Nhật Bản liên quan trực tiếp đến tỉ lệ lao động VN bỏ trốn. Việc người lao động bỏ trốn ra ngoài sống bất hợp pháp nhiều khiến một số xí nghiệp, nghiệp đoàn của Nhật Bản ngại tiếp nhận TNS VN. Thậm chí cơ quan quản lý xuất nhập cảnh của Nhật Bản không cấp visa cho TNS VN vào tu nghiệp, làm việc tại những xí nghiệp, nghiệp đoàn đã có TNS VN bỏ trốn. Dù đã giảm còn 2% nhưng so với các nước khác có đưa TNS sang Nhật Bản thì tỉ lệ trên vẫn còn cao.
Gánh nặng chi phí
Nhật Bản là thị trường hấp dẫn đối với lao động VN bởi thu nhập cao (bình quân từ 700 - 1.100 USD/người/tháng), điều kiện ăn, ở, sinh hoạt tốt. Thế nhưng, chi phí ban đầu quá lớn đã khiến phần đông lao động không thể với tới được. Tổng chi phí mà người lao động phải nộp để được sang Nhật Bản là từ 4.000 - 7.000 USD, trong đó có 1.500 USD phí môi giới và từ 1.000 - 3.000 USD tiền đặt cọc. Ngoài chi phí này, người lao động phải thế chấp giấy tờ nhà đất. Có doanh nghiệp (DN) áp dụng thế chấp bằng hình thức thu giữ giấy tờ nhà đất của người lao động hoặc giấy tờ nhà đất cùng với tiền mặt, với mức thế chấp bình quân từ 150 triệu đồng trở lên.
Đi đôi với việc thu phí cao, nhiều doanh nghiệp (DN) còn tùy tiện đặt ra quy định để tận thu, chiếm dụng tiền của người lao động, nhất là khoản tiền ký quỹ. Cách đây vài ngày, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước, đã chỉ đạo Công ty Tranco xác minh, báo cáo rõ việc người lao động phản ánh trước giờ lên máy bay họ được nhân viên công ty bắt ký vào biên nhận hoàn trả tiền đặt cọc 2.000 USD/người nhưng không cho nhận lại tiền.
Một trong những vi phạm phổ biến của DN XKLĐ ở thị trường Nhật Bản là thu tiền của người lao động không minh bạch, không đúng quy định. Điều này tạo sức ép lớn cho người lao động. Trong thời gian 3 năm (với năm đầu tiên không được làm thêm, chỉ được hưởng trợ cấp tu nghiệp bằng 70% lương tối thiểu), khoản tiền tích lũy được không nhiều, chưa kể các trường hợp rủi ro mất việc phải về nước sớm thì xem như trắng tay. Đây chính là lý do dẫn đến việc người lao động bỏ trốn, ở lại với mong muốn có thời gian làm việc lâu hơn, tích lũy được nhiều tiền hơn.
Ông Lê Văn Thanh cho rằng nếu giải quyết dứt điểm những yếu kém hiện nay của DN, có biện pháp nâng cao chất lượng, khắc phục những hạn chế của người lao động thì mới có thể tăng quy mô và số lượng lao động sang Nhật Bản trong những năm tới.
Quy định mới có lợi cho người lao động
Theo quy định mới của chương trình tu nghiệp và thực tập kỹ thuật, thời hạn một năm tu nghiệp của người lao động trước đây được xóa bỏ và thay vào đó tăng thời hạn thực tập kỹ năng từ 2 lên 3 năm, tương ứng với thời hạn hợp đồng. Từ năm đầu tiên, lao động nước ngoài được xác lập tư cách lưu trú thực tập kỹ năng, có tư cách quan hệ lao động với chủ sử dụng lao động, được đối xử như lao động bản địa, được bảo vệ và bảo đảm bởi Luật Lao động và các luật liên quan.