CÔNG TY CỔ PHẦN PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP

XÂY LẮP VÀ THƯƠNG MẠI HÀ TĨNH

HATINH INDUSTRIAL DEVELOPMENT - CONSTRUCTION TRADING JOINT STOCK COMPANY

11-01-2019 - 08:32

Cục Quản lý Lao động ngoài nước tổng kết công tác 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019

Sáng 9/1, Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - TBXH) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019. Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp dự và chỉ đạo hội nghị.

Tham dự còn có đại diện các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; lãnh đạo và toàn thể cán bộ, công chức và người lao động của Cục.

Theo số liệu thống kê tổng hợp, Năm 2018 có 142.860 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong đó có gần 50.300 lao động nữ (chiếm 34,8%), trong đó thị trường đông nhất là Nhật Bản (68.737 người), tiếp đến là Đài Loan (60.369 người), Hàn Quốc (6.538 lao động), Ả rập - Xê út (1.920 người), Rumania (1.319 người), Malaysia (1.102 lao động), An-giê-ria (1.014 lao động)… Trong đó, riêng thị trường Nhật Bản có sự tăng trưởng vượt bậc trong năm 2018 với …lao động (chiếm gần 50% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài), nâng tổng số thực tập sinh Việt Nam đang thực tập tại Nhật Bản lên hơn 140 nghìn người. Thị phần của lao động Việt Nam làm việc tại Đài Loan tiếp tục gia tăng đều đặn, bình quân tăng từ 0,7 - 1,3%, nâng tổng số lao động Việt Nam đang làm việc tại đây lên hơn 222.600 người (chiếm 31,52%)…

Đánh giá về những kết quả đạt được, ông Tống Hải Nam, Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước, cho rằng năm 2018 thành công như vậy là do một số thị trường xuất khẩu lao động chính của Việt Nam tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động như: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số thị trường Châu Âu có những tín hiệu tích cực về việc tiếp nhận lao động Việt Nam (trong đó có Bungari và Rumania). Ngoài việc có nhu cầu tiếp nhận ổn định, thị trường Nhật Bản nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam ngày càng tăng, đa dạng về ngành nghề; một số thị trường có nhu cầu tuyển dụng một số nhóm ngành nghề mới mà Việt Nam có khả năng đáp ứng tốt, có nhu cầu đưa đi như điều dưỡng, hộ lý và lao động trong một số lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, lao động có chuyên môn kỹ thuật. Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã và đang từng bước chủ động tìm kiếm, phát triển thị trường, đầu tư bài bản cho công tác tạo nguồn lao động và đào tạo nâng cao tay nghề, ngoại ngữ cho lao động trước khi xuất cảnh và bản thân người lao động cũng nâng cao nhận thức và trình độ khi lựa chọn và được tuyển chọn vào các thị trường khó tính như Nhật bản.

Bên cạnh đó, năm 2018 đối với công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, Cục Quản lý Lao động ngoài nước đã triển khai hiệu quả hơn nhiều giải pháp nhằm giữ vững ổn định một số thị trường chính như Đài Loan, Nhật Bản; nâng cao chất lượng nguồn lao động ngay từ khâu đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng tay nghề, giáo dục định hướng cho lao động trước khi đưa đi làm việc tại nước ngoài nên vừa đảm bảo tính thu nhập, cạnh tranh. Bên cạnh đó, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cũng đã được chú trọng và chủ động tham mưu ký kết thỏa thuận hợp tác với các nước. Chủ động phối hợp tiến hành thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp hoạt động về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; qua đó, kịp thời phát hiện và đề xuất cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7 doanh nghiệp với số tiền 430 triệu đồng...

Phát biểu tại hội nghị tổng kết, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp đánh giá cao những kết quả mà toàn thể cán bộ, công chức và người lao động Cục Quản lý Lao động ngoài nước đã đạt được trong năm 2018 và chỉ đạo Cục về nhiệm vụ năm 2019 là đưa được 120.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài và tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng mở rộng thị trường lao động là tốt nhưng chúng ta cũng quyền lựa chọn thị trường và phải giảm dần những thị trường rủi ro, đặc biệt là phải thống nhất nguyên tắc đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phải qua tổ chức, có đơn vị và tổ chức hỗ trợ nếu xảy ra rủi ro. Trong năm 2019, Cục Quản lý Lao động ngoài nước cần tập trung đối với việc hoàn thiện hệ thống luật pháp, phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị, trình nội dung về sửa đổi Luật đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua vào năm 2020.

Theo www.dolab.gov.vn

. . . . .