Kể từ ngày 1.7, luật Căn cước có hiệu lực thi hành, một trong những quy định mới, tạo điều kiện cho những người gốc VN chưa xác định được quốc tịch sẽ được cấp giấy chứng nhận căn cước. Cũng từ thời điểm này, Bộ Công an sẽ triển khai cấp thẻ căn cước cho người dân trên toàn quốc.
Theo đó, giấy chứng nhận căn cước (GCNCC) là loại giấy tờ về nhân thân mới, có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện các giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp trên lãnh thổ VN. Quy định mới này nhằm mở lối cho những người gốc VN nhưng chưa xác định được quốc tịch. GCNCC có thời hạn sử dụng 2 năm kể từ ngày cấp.
Trả lời PV Thanh Niên, thiếu tá Trần Duy Hiển, Phó giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an, cho biết người gốc VN chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống liên tục từ 6 tháng trở lên tại đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã. GCNCC có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ VN.
Thiếu tá Hiển cho biết, đây là một trong 4 chính sách lớn khi xây dựng dự án luật Căn cước nhằm thay thế luật CCCD, mang tính nhân văn rất cao, giúp những người không có giấy tờ tùy thân có thể thực hiện các giao dịch thiết yếu trong cuộc sống. Người gốc VN chưa xác định được quốc tịch được xác định là những người không có thông tin trong cơ sở dữ liệu dân cư, có quan hệ huyết thống với người đã từng có quốc tịch VN (cha mẹ, ông bà, con cái…). C06 đã có hướng dẫn các đơn vị địa phương theo hướng rất linh động, việc chứng minh huyết thống có thể thông qua xét nghiệm ADN, hoặc thông qua tra cứu trong tàng thư hộ tịch, hoặc công dân cam kết theo biểu mẫu và có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.
Thiếu tá Hiển nói thêm, về thẩm quyền GCNCC đang giao cho công an cấp huyện và tỉnh. Quy trình cấp GCNCC tương tự cấp thẻ căn cước (TCC), lực lượng công an sẽ thu nhận các thông tin để cập nhật vào cơ sở dữ liệu.
"Theo đó, công dân sẽ kê khai thông tin theo biểu mẫu DC01 mẫu phiếu thu thập thông tin dân cư, sau đó cơ quan công an nơi thu nhận hồ sơ sẽ gửi tới các bộ phận (quốc tịch, hộ tịch, tàng thư căn cước...) để xác minh, đối sánh. Trường hợp không có thông tin, lực lượng chức năng sẽ yêu cầu công dân cam kết thông tin mình đã kê khai là đúng sự thật, sau đó lập biên bản để xác nhận thông tin. GCNCC có hiệu lực trong vòng 2 năm, có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện các giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp trên lãnh thổ VN", thiếu tá Hiển nhấn mạnh.
Đối với nhóm từ trước đến nay không có giấy tờ tùy thân vì nhiều lý do, không có nơi thường trú, tạm trú nên không đủ điều kiện cấp CCCD dẫn đến không thể xin việc làm, khó khăn trong việc xin học cho con, không được làm thẻ BHYT…; thiếu tá Hiển nhấn mạnh, để triển khai luật Căn cước, Bộ Công an đã chỉ đạo công an các địa phương triển khai rà soát trên địa bàn, cập nhật thông tin các trường hợp đang không có giấy tờ tùy thân. Nhóm nói trên sẽ được cập nhật, lưu vào một kho dữ liệu riêng.
"Hiện tại có hơn 50.000 trường hợp công dân không có giấy tờ tùy thân. Bộ Công an cũng đã chỉ đạo rà soát lại, xác định những trường hợp nào đủ điều kiện như đã nêu ở phần trên, thì sẽ được cấp GCNCC (chứ không phải TCC - PV) cho họ", thiếu tá Hiển nhấn mạnh.
Cũng theo thiếu tá Hiển, một điểm mới của luật Căn cước là thông tin in trên mặt thẻ sẽ là nơi cư trú chứ không phải nơi thường trú như trước đây. Nếu công dân có nơi thường trú, thông tin in trên mặt thẻ mặc định là địa chỉ thường trú; nếu chỉ có nơi tạm trú thì thông tin in trên mặt thẻ sẽ là địa chỉ tạm trú. Trường hợp công dân không đủ điều kiện đăng ký cả thường trú và tạm trú (nhà chung cư, giấy tờ nhà đất…) thì thông tin in trên mặt thẻ sẽ là địa chỉ của nơi ở hiện tại.
"Một trường hợp nữa, để được cấp TCC, điều kiện đầu tiên là phải có quốc tịch VN. Tuy nhiên, có những trường hợp công dân quốc tịch VN nhưng khai sinh và sinh sống tại nước ngoài. Trước đây, họ sẽ không đủ điều kiện để cấp CCCD. Còn hiện nay, những người này vẫn có thể được cấp TCC, thông tin nơi cư trú sẽ là tên của quốc gia mà công dân đang sinh sống, được Việt hóa theo quy định", thiếu tá Hiển cho biết thêm.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải, Phó trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06), Công an TP.HCM, cho biết đến nay Công an TP.HCM đã có sự chuẩn bị đầy đủ, đảm bảo mọi thứ cần thiết từ nhân sự, phương tiện cần thiết để đảm bảo cấp TCC theo luật Căn cước từ 1.7.
Theo thượng tá Hải, Công an TP.HCM với vai trò là cơ quan giúp việc thường trực của Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 06 TP.HCM (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030), đã tham mưu xây dựng kế hoạch 1878 để giải quyết cấp đăng ký khai sinh, cấp mã số định danh (MSĐD), CCCD cho những nhân khẩu đặc biệt, chưa có giấy tờ tùy thân trên địa bàn TP.HCM. Sau khi thực hiện kế hoạch này, Công an TP.HCM đã giải quyết, cấp MSĐD cá nhân cho 2.350 trường hợp. Trong đó, đã giải quyết đăng ký thường trú cho 1.201 trường hợp và có 1.149 trường hợp đã cập nhật khai báo nơi ở hiện tại.
Theo thượng tá Hải, kế hoạch 1878 là kế hoạch nhân văn, giúp những người chưa có giấy tờ tùy thân có được giấy tờ tùy thân, dễ dàng xin việc làm, có thể mua BHXH, giao dịch dân sự và nhiều tiện ích trong cuộc sống. Tuy nhiên, hiện nay theo quy định của luật Cư trú thì một số trường hợp chưa đủ điều kiện để đăng ký thường trú, dẫn đến việc công dân chưa được cấp CCCD theo quy định của luật CCCD. Với những trường hợp chưa có giấy tờ tùy thân, Công an TP.HCM đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan tư pháp và các đơn vị khác để xác định lại danh tính của người đó.
Thượng tá Hải cho biết Công an TP.HCM vẫn đang thực hiện kế hoạch 1878 và tiếp tục thực hiện cấp MSĐD, TCC cho những trường hợp còn lại kể từ 1.7 với phương châm "không để ai ở lại phía sau", cố gắng hỗ trợ, giúp đỡ để tất cả người dân có giấy tờ tùy thân và phải có được thông tin đưa lên hệ thống dữ liệu dân cư quốc gia.
Tính đến ngày 27.6, toàn TP.HCM tổ chức thu nhận gần 7,8 triệu hồ sơ cấp CCCD gắn chip điện tử, cấp hơn 5,6 triệu hồ sơ và kích hoạt thành công hơn 4,3 triệu hồ sơ tài khoản định danh điện tử. Qua đó, góp phần thực hiện tốt công cuộc chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh, đặc biệt là việc chuyển đổi, sử dụng tài khoản VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện thủ tục hành chính trên địa bàn TP.HCM kể từ ngày 15.6.2024.
Theo Thanh Niên
Link: https://thanhnien.vn/luat-can-cuoc-mo-cho-nguoi-chua-co-giay-to-tuy-than-185240627232533207.htm